ÔNG ĐỊA DUNG HOÀ MỌI THỨ, DUNG CHỨA TẤT CẢ (NHÀ NGHIÊN CỨU HUỲNH NGỌC TRẢNG) – VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ #4

 

Ông Địa là biểu trưng cho thái độ sống dung hoà mọi thứ và dung chứa tất cả. Đó là điều mà mọi khách tham dự buổi trò chuyện VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ #4 – NGHE ÔNG ĐỊA HẢ HÊ KỂ CHUYỆN vừa qua đều có thể nhận ra được. 

Trong buổi trò chuyện đầy cởi mở và vui vẻ này, NNC Huỳnh Ngọc Trảng đã giúp khách tham dự hiểu được nguồn gốc khai sinh tục thờ Ông Địa. Diễn giả đã lần lượt chia sẻ về tín ngưỡng thờ đất của người Việt qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể với nhiều biến đổi và dung nạp văn hoá khác nhau. 

Điểm đặc biệt nhất là diễn giả có nhấn mạnh vào việc thờ “thổ đức”, cụ thể là đức Sinh của đất. Nhưng trong các thổ đức thì theo diễn giả, đức quan trọng nhất, được thể hiện rõ ràng nhất nơi hình tượng Ông Địa, nơi các câu chuyện dân gian mang tính tư biện về hình tượng này, mà ta có thể học theo chính là đức Nhiếp. Đức Nhiếp cho phép dung hoà những khác biệt và dung chứa mọi thứ, nghĩa là sống bao dung với nhau, với vạn vật và với chính mình. Điều này được thể hiện rõ qua hình tướng của Ông Địa mà ta vẫn quen thấy: miệng cười toe toét và bụng lớn chang bang.

 

———————————————————————————————————-

MÁT TRỜI ÔNG ĐỊA

Thành ngữ “Mát trời Ông Địa” vẫn được người dân Nam bộ dùng trong những dịp thuận lợi, vui vẻ. Vậy thành ngữ này có ý nghĩa gì?

Sự hình thành thành ngữ này, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, có lẽ là “bắt nguồn từ làn gió vô hình của chiếc quạt trên tay Ông Địa.” Cái quạt biểu thị “sự mát mẻ, tự nó có ý nghĩa đem đến điều lành” và thường thì người ta sẽ liên kết nó với các ý nguyện như “Phong điều võ thuận”, “Nhất buồm phong thuận”, “Phong đăng hoà cốc.”

Khó mà truy nguyên được vì sao Ông Địa lại cầm quạt. Nhưng cứ theo logic Ông Địa là hình tượng người nông dân thời khai hoang thì hẳn ông phải cầm quat, và cây quạt ấy ban đầu là quạt mo, rồi quạt xếp, thậm chí cả quạt ba tiêu (quạt tắt lửa Hoả diệm sơn), hay quạt lá bồ đề (biểu tượng thiêng liêng của nhà Phật), hay quạt lá vả (biểu tượng sự tiêu dao của đạo Tiên).

Loại quạt có thể thay đổi nhưng vẫn giữ được ý nghĩa cốt lõi, vốn tương thích với hình tượng Ông Địa, đó là sự phóng khoáng, vui vẻ, hào sảng. Từ đó, thành ngữ “Mát trời Ông Địa” cũng có ý nhấn mạnh đến sự tự do, thoải mái.

Tuy nhiên, thành ngữ này cũng có gắn liền với việc mong ước mùa màng tốt tươi nữa. Vì sao vậy? Mời bạn tham dự buổi trò chuyện VIẾT NÊN NHỮNG TRANG SỬ #4: NGHE ÔNG ĐỊA HẢ HÊ KỂ CHUYỆN để tìm hiểu thêm nha!

(*) Các thông tin và trích dẫn trên đều lấy từ bài viết “Mát trời Ông Địa” của NNC Huỳnh Ngọc Trảng trên tạp chí Saigon City Life, số 01-02/2025.

 

THÔNG TIN SỰ KIỆN:

– Chủ đề: NGHE ÔNG ĐỊA HẢ HÊ KỂ CHUYỆN

– Diễn giả: NNC HUỲNH NGỌC TRẢNG

– Thời gian: 14g30, Chủ nhật, ngày 02 tháng 3 năm 2025

– Địa điểm: Cà phê thứ Bảy Trẻ (Lầu 3 & Lầu 4 quán Trung Nguyen Legend – 603 Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp.HCM)

– Sự kiện không bán vé. Trước khi vào tham dự chương trình, quý khách vui lòng gọi đồ uống và thanh toán theo thực đơn của quán (nguồn thu này được dùng để hỗ trợ chi phí mặt bằng, nhân sự, điện nước, v.v. nhằm duy trì các hoạt động của Cà phê thứ Bảy).

Mời mọi người đọc thêm bài tường thuật chi tiết tại: https://batansach.com/nhin-lai-vnnts-4-ong-dia-dung-hoa-moi-thu-dung-chua-tat-ca/

 

   

Mục lục

Mục lục

Bài viết liên quan
contact me on zalo
1900 633 906