Chuỗi Sự Kiên Viết Nên Những Trang Sử Kỳ 2 -Chử Hiếu Và Chử Tình Trong Tiểu Thuyết Hồ Biểu Chánh

HIẾU – TÌNH VÀ CHUYỆN NHƠN QUYỀN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH

Một lần nữa, chuyện phải-quấy được nhà văn Hồ Biểu Chánh nhấn mạnh trong truyện của ông, cụ thể là trong chọn lựa sống trọn hiếu và tình. Chính những cân nhắc phải-quấy trong các khung cảnh phải trọn Hiếu và vẹn Tình đã cho thấy nhà văn Hồ Biểu Chánh đề cao nhơn quyền ở đời thế nào. Đó là một trong những ý tưởng chính mà tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã chia sẻ với khách tham dự buổi “Viết nên những trang sử” số thứ 2 với chủ đề “CHỮ HIẾU VÀ CHỮ TÌNH TRONG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH.”

Đến với chủ đề số 2 của chuỗi (diễn ra lúc 14g30 thứ Bảy 28/9/2024 tại Cà phê thứ Bảy Trẻ), khách tham dự đã được tiến sĩ Bùi Trân Phượng giới thiệu về tư tưởng trọng nhơn quyền của nhà văn Hồ Biểu Chánh liên hệ đến vấn đề sống trọn hiếu và tình, cụ thể là thông qua 3 tác phẩm của ông: “Vậy mới phải” (in lần đầu năm 1913), “Nặng gánh cang thường” (in lần đầu năm 1930), “Ai làm được” (tác giả tự thảo sáng năm 1912 và tự nhuận sắc năm 1922).

 

Hiếu, Tình và lẽ công bình

Trước hết, diễn giả đã cho thấy một góc nhìn rất mới mẻ của nhà văn Hồ Biểu Chánh về vấn đề Hiếu và Tình thông qua nỗ lực chỉnh sửa cái kết khi cụ dịch “Le Cid” (của Pierre Corneil) sang “Vậy mới phải”. Nhân vật Thanh Tòng và nhân vật Lệ Bích có tình cảm với nhau, nhưng ngặt một nỗi giữa họ lại có mồi thù giết cha. Trong nguyên tác, mối tình giữa hai nhân vật này được vua hoà giải bằng cách đưa chàng đi lính trong một năm, đó cũng là thời gian để nàng nguôi nỗi thù giết cha. Còn trong “Vậy mới phải”, Lệ Bích khi nghe vua “khuyên nàng thôi chớ chấp nê/ chỉ Tần tơ Tấn sớm xe duyên hài” thì đã “rút ra một ngọn đao vàng/ đâm ngay vào ruột, bá quan kinh hoàng”

Lệ Bích quyết giữ trọn lòng Hiếu – đó là điều ai cũng thấy rõ. Bên cạnh đó, theo diễn giả, quyết định tự vẫn của này cũng là vì Tình: “Tháo thân khôn trá, chỉ mành xe lơi”“Thà liều một thác, cho người hiển vang”. Với nhà văn Hồ Biểu Chánh, hành động như thế “vậy mới phải”, vẹn tròn cả Hiếu và Tình, chứ không thể theo cách thức như trong “Le Cid” được. 

Theo diễn giả Bùi Trân Phượng, đến năm 1930, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã viết “Nặng gánh cang thường” để một lần nữa sửa cái kết của “Vậy mới phải”. Ở “Nặng gánh cang thường”, sự đối sánh Hiếu và Tình trước hết được thể hiện nơi Thanh Tòng khi chàng phân vân chuyện báo thù cho cha: “Phận làm con thì phải báo thù cho cha. […] Mà báo thù làm sao cho được! Người thù là cha vợ của mình. […] Một bên thì là hiếu, một bên thì là tình, tình đã thâm, mà hiếu cũng trọng.”

Và sự đối sánh ấy còn lên cao trào trong quyết định của Thanh Tòng về việc từ hôn công chúa Nhị Hoa: chàng đã “trọn nghĩa quân thần, trọn đạo phụ tử” và vì muốn “trọn luôn niềm phu phụ nữa nên mới hoá ra nghịch lịnh chúa, trái ý cha.” 

Nhà văn Hồ Biểu Chánh qua đó đã cho thấy đạo cang thường của Nho giáo quá cứng nhắc, làm bó buộc người ta, đẩy con người đến chỗ phải chọn một trong hai. Cụ bình thêm trong truyện rằng “Người đời nay, là đời tôn trọng nhơn quyền, ai cũng đều lắc đầu chắc lưỡi”. Con người ta có quyền tự do chọn công lý thay vì tuân giữ đạo cang thường. Thái độ đứng về nhơn quyền này còn được thể hiện qua lời phê phán mạnh mẽ của hai người bạn của Thanh Tòng: “… nào dè chữ “cang thường” người ta đặt ra đặng gạt thiên hạ, người ta buộc thiên hạ phải giữ mà người ta khỏi giữ. Thế thì mình còn giữ luân lý cang thường nữa mà làm gì?”

So với “Vậy mới phải” thì cái kết của “Nặng gánh cang thường” là một kết thúc có hậu. Hồ Biểu Chánh không đành lòng để cho hai con người Thanh Tòng và Lệ Bích vốn luôn trung quân và hiếu phụ lại không thể trọn duyên tình với nhau. Bốn chữ “nặng gánh cang thường” của Hồ Biểu Chánh không chỉ đến sự để tâm lo giữ trọn cái tam cang ngũ thường của truyền thống Nho giáo, mà là để tâm sống trọn nghĩa tình phu thê: “Cang thường nặng gánh hai vai/ Nghĩa sâu hơn biển, tình dài hơn sông”. Hồ Biểu Chánh đã biểu đạt nội hàm “cang thường” theo một cách khác, và nhân vật của ông cũng được tự do chọn lựa sống theo cách hiểu khác đó; và nhờ đó, họ vừa trọn Hiếu vừa vẹn Tình. 

 

Hiếu, Tình và nữ quyền

Đến với “Ai làm được”, diễn giả đã cho thấy chuyện Hiếu và Tình được nhà văn Hồ Biểu Chánh đặt trong khung cảnh của nữ quyền. Nhân vật nữ chánh là Bạch Tuyết và mẹ của mình đã bị mẹ kế hãm hại, và nàng đã tự giải thoát mình bằng một bước đi ít ai ngờ được: “Thà theo trai còn hơn làm vợ kẻ thù. Ở đây thì luỵ thân, ra đi thì mang xấu… Thà mang xấu mà báo oán cho mẹ được”, “Thà là tôi mang tiếng nhơ, chớ tôi không đành phối hiệp với kẻ thù.” Nàng đành mang tiếng xấu là bỏ nhà theo trai (cụ thể là đi tìm nam chánh Chí Đại), nhưng kỳ thực là nàng đi theo tiếng gọi của Tình; và sự ra đi ấy cũng là để chuẩn bị cho việc báo thù cho mẹ. Chọn lựa ra đi ở đây, do đó, là một chọn lựa vừa trọn Hiếu vừa vẹn Tình. Vả lại, đây lại là chọn lựa của một thiếu nữ trong xã hội cũ: Liệu lễ giáo thời đó có cho phép điều này không?

Sự vươn lên của phụ nữ trong truyện này còn thể hiện qua sự chủ động tỏ bày tình ý của Bạch Tuyết với nam chánh Chí Đại. Kiểu chủ động này trước đó ta đã thấy trong “Lục Vân Tiên” của cụ Đồ Chiểu: chính Kiều Nguyệt Nga là người chủ động tỏ tình. Nhưng nếu chỉ xét riêng cái chủ động ấy thôi thì ta vẫn chưa thấy được cái khéo léo của Hồ Biểu Chánh. Ông đã để Bạch Tuyết tự ý thức rằng “Phận em là gái bất trinh, lấy chồng không đợi lịnh cha gả”, do đó đã từ chối làm vợ Chí Đại: “Em hư lắm, em quấy lắm, không đáng làm vợ anh.”

***

Buổi trò chuyện của TS Bùi Trân Phượng diễn ra trong hơn hai tiếng đồng hồ về “Chữ Hiếu và chữ Tình trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh” đã giúp khách tham dự hiểu thêm rằng: nhà văn Hồ Biểu Chánh đồng thời rất Tây và cũng rất Việt Nam. Điểm “rất Tây” được thể hiện qua việc nhà văn đã đưa những lý lẽ về nhơn quyền, về nữ quyền, về tự do và lẽ công bình vào các trang văn của mình. Còn điểm “rất Việt Nam” được đúc kết tại những chọn lựa sau cùng của các nhân vật: thay vì bứt phá và vứt bỏ mọi đạo lý cổ hũ thì họ đã ‘chỉnh sửa’ chúng để vẹn cả đôi đường. Âu đó cũng là cách sống trước giờ của người Việt: tiếp nhận cái mới nhưng không gạt bỏ cái cũ, nhưng luôn tìm cách dung hoà, cải biến để “sản sanh cái mới vẫn nhuần nhuyễn tánh chất Việt, miễn là Việt hiện đại.” (*)

 

Mục lục

Mục lục

Bài viết liên quan
contact me on zalo
1900 633 906